Thị trường rượu – nước cuối năm: Nguồn cung dồi dào, không lo thiếu hàng

Còn chưa đầy 1 tháng là đến Tết Nguyên đán 2020, thị trường hàng hóa trở nên sôi động do nhu cầu tăng mạnh.

Đối với thị trường rượu – nước giải khát, nhu cầu tiêu dùng tăng nhanh chóng, tuy nhiên không có sự biến động giá bất thường và các doanh nghiệp đều cung cấp đủ cho thị trường.

Giá cả có xu hướng tăng nhưng không lớn

Bước vào cuối năm – thời gian cao điểm, thị trường hàng hóa trong nước đã trở nên sôi động hơn, với nhiều hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất, đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán. Theo thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 vừa qua ước tính đạt gần 426 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, thị trường rượu, bia, nước giải khát đang nóng dần. Đối với thị trường nước giải khát, sự phát triển và cường độ cạnh tranh giữa các hãng, cơ sở sản xuất ngày càng gia tăng. Theo thống kê của Hiệp hội Bia – rượu – nước giải khát Việt Nam, cả nước hiện có hơn 1.800 cơ sở sản xuất nước giải khát, hàng năm mức tăng trưởng đạt 6-7%, trong đó nước giải khát có ga (nước ngọt) chiếm 23,74% thị phần, nước giải khát dưới dạng trà chiếm 36,97%; nước tăng lực chiếm 18,28%, nước ép hoa quả 10,91%, nước khoáng là 5,45%.

Theo giới kinh doanh, thị trường nước giải khát của Việt Nam đang có xu hướng phát triển mạnh các dòng sản phẩm vừa giải khát vừa có yếu tố bồi bổ sức khỏe như nước tăng lực, sản phẩm nước uống chứa vitamin, nước uống chiết xuất từ hoa quả, ngũ cốc, trà, sâm…Từ nhu cầu của người tiêu dùng, nhiều dòng sản phẩm mới nước giải khát mới đã ra đời và cạnh tranh nhau rất quyết liệt.

Đối với thị trường bia, dẫn nguồn tin từ Báo Công thương online, thị trường Việt Nam tiêu thụ hơn 4,67 tỷ lít bia các loại trong năm 2018, mức tăng trưởng đạt 7% so với cùng kỳ. Dự báo đến năm 2020, sản lượng bia toàn ngành vẫn giữ ở mức 4 – 4,25 tỷ lít/năm, đến năm 2035 sản lượng sản xuất đạt khoảng 5,5 tỷ lít bia.

Bộ Công thương dự kiến, tổng mức bán lẻ hàng hóa xã hội và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm 2019 đạt khoảng 4.901 – 4.923 nghìn tỷ đồng, tăng từ 11,6 – 12% so với năm 2018, đạt mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra (kế hoạch tăng 11,5 – 12%). Từ nay đến cuối năm nhu cầu hàng hóa nguyên vật liệu phục vụ sản xuất hàng tiêu dùng và hàng hóa tết sẽ tăng mạnh.

Đơn cử như Hà Nội, theo số liệu từ Sở Công thương Hà Nội, dự kiến số lượng một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán năm 2020 sẽ tăng mạnh như gạo, các loại thịt, rau củ, thực phẩm chế biến, nông lâm sản khô, bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát, hàng may mặc, thời trang, điện máy… Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 31.200 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa tết năm 2019. TP. Hồ Chí Minh dự kiến, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa thiết yếu dịp cuối năm sẽ mạnh, như thịt lợn tăng gấp rưỡi so với ngày thường; nhu cầu bia và nước giải khát tăng khoảng 30% so với tháng thường…

Mặc dù nhu cầu hàng hóa từ nay đến cuối năm tăng cao như vậy, song theo Bộ Công thương không có gì đáng lo ngại, bởi hiện nay nguồn cung các mặt hàng từ sản xuất trong nước và nhập khẩu rất dồi dào. Giá cả hàng hóa có xu hướng tăng nhưng mức tăng không lớn, không có biến động giá bất thường ở hầu hết các nhóm hàng thiết yếu.

Ngăn chặn hàng cấm, hàng lậu… kịp thời

Đại diện Vụ Thị trường trong nước cho hay, để đảm bảo đủ nguồn hàng cung ứng cho thị trường, từ nay đến cuối năm, Bộ Công thương sẽ tập trung kiểm soát, giám sát chặt chẽ thị trường hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao. Đồng thời, bộ này đề nghị đơn vị, cơ quan chức năng các địa phương theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa.

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán năm 2020, tính đến thời điểm này, nhiều địa phương đã chủ động triển khai Chương trình bình ổn thị trường theo hướng kết nối các doanh nghiệp kinh doanh hàng tết với các tổ chức tín dụng, thực hiện việc dự trữ, bảo đảm nguồn cung hàng hóa. Điển hình như Hà Nội đã hoàn tất kế hoạch tổ chức “Tháng Khuyến mại”, các hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn… nhằm đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời hàng hóa tết đến người dân.

Đặc biệt, thời điểm cuối năm nhu cầu mua bán, tiêu dùng hàng hóa tăng cao cũng là thời gian các đối tượng tăng cường hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng lậu, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm… Đại diện của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, từ nay đến cuối năm, lực lượng quản lý thị trường sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm soát chặt chẽ thị trường hàng hóa nhằm ngăn chặn kịp thời hàng hóa nhập lậu, hàng cấm; kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, đo lường, chất lượng…

Đồng thời, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát các tuyến đường vận chuyển thực phẩm và các chốt kiểm dịch động vật liên ngành; kiểm soát việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, nhập khẩu thực phẩm, cửa hàng kinh doanh, thực phẩm, các chợ đầu mối, chợ dân sinh, siêu thị…; kiểm tra tem, nhãn, bao bì hàng hóa đối với các mặt hàng truyền thống có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý.

Công ty Cổ phần AVIA khẳng định, tất cả các mặt hàng từ nước uống, rượu của Công ty đều không tăng gia để phục vụ khách hàng dịp Tết năm nay. Hiện nay, AVIA đã tăng công suất nhà máy lên gấp 3 để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong dịp cuối năm.

Nguồn: ST