Văn hóa uống rượu

Trong chuyện uống rượu, có cả sự cao quý, sang trọng và dung tục, thấp hèn. Chỉ nhìn cách người ta uống rượu, chúng ta sẽ biết văn hóa của người ấy như thế nào.

Văn hóa nhìn từ chén rượu

Người cao quý, lịch thiệp sẽ biết chén rượu quý, rượu ngon như thế nào khi chiêu đãi, gặp gỡ bạn bè hay bất cứ dịp nào. Điều quan trọng nhất là không quá chén, không ép nhau uống tới cùng. Dung tục là khi người ta uống rượu bất kể lúc nào, bất kể ở đâu, thúc ép nhau uống; hô hào, gào thét ầm ĩ. Đáng sợ và đáng khinh hơn khi những kẻ nát rượu sẵn sàng đi ăn cắp, ăn cướp để có tiền uống rượu.
Ngay từ thuở sơ khai, người ta vẫn uống rượu như thế, và vì thế, ngày nay rượu vẫn đồng hành cùng với sự phát triển của nhân loại. Kẻ yêu, người ghét rượu đều phải thỏa hiệp với nhau, chấp nhận nhau để sống. Tuy nhiên, con người là sinh vật có trí tuệ vượt trội so với các loài khác vì có tư duy, nhận thức và có văn hóa.
Văn hóa đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống của con người. Cái gì trường tồn, thông thường, đều liên quan đến văn hóa hoặc thuộc về văn hóa. Việc con người sản xuất rượu và uống rượu đã tồn tại hàng ngàn năm nay. Ở Việt Nam, trong các gia đình, dòng họ, các ông cụ cao niên không bao giờ từ chối nhâm nhi chén rượu trong dịp lễ, Tết. Nhà có việc hiếu hỷ, thậm chí giết gà, mổ lợn… kiểu gì thì gia chủ cũng phải sắm chai rượu mới đúng nghi lễ. Các cụ không bao giờ khoe khoang về tửu lượng của mình nhưng cụ nào uống kém thì lấy làm áy náy lắm!
Nhưng cũng có nhiều gia đình, dòng họ đưa ra luật lệ đàng hoàng: Con gái không được uống rượu, con trai trên 18 thì có thể. Mỹ là nước đề cao dân chủ, tự do nhưng pháp luật của họ quy định rất rõ ràng: Thanh niên dưới 21 tuổi không được phép uống rượu bia, nếu người lớn rủ rê họ sẽ bị cho là phạm pháp. Quán hàng không được bán rượu bia trước 12 giờ trưa và tuyệt đối cấm bán cho người dưới 21 tuổi.
Các sứ quán thường mở tiệc đãi khách, rượu không thiếu và không ai hạn chế uống nhưng phải uống theo nghi lễ nhất định. Để chiều nhiều người có đam mê và tửu lượng khá, họ thường bố trí một chỗ kín có đầy rượu, nếu ai thích thì cứ việc đến đó uống thoải mái, không phải chạm ly hay chúc tụng gì cả. Nhưng hiếm người tới đây để uống cho đã. Trong các bữa tiệc, những người biết uống rượu lại thường chỉ dùng rượu vừa đủ, chủ yếu cho không khí vui vẻ và tinh thần sảng khoái.

Văn hóa không chấp nhận sự thái quá

Có những người thường xuyên uống rượu nhưng chưa bao giờ họ quá chén. Với họ, có những “quy tắc” trong chuyện uống rượu thế này: Trước khi nhận lời tham gia một cuộc rượu, hãy tự hỏi mình bốn câu: Vì sao uống? Uống lúc nào? Uống ở đâu? Uống với ai? Trả lời xong 4 câu hỏi đó thì quyết định có tham gia hay không? Nếu có tham gia thì phải biết uống như thế nào là đủ, là đúng, là đẹp.
Để uống rượu cho đúng và cho đẹp, con người chúng ta cũng cần trí tuệ, tri thức và nhất là ý thức. Phải ý thức được rằng, uống rượu cũng đòi hỏi có văn hóa. Mà văn hóa thì không chấp nhận sự thái quá. Vì vậy, cứ để việc uống rượu diễn ra tự nhiên, không nên bài bác thái quá như cấm uống rượu; cũng như cổ vũ thái quá đến mức “không biết uống rượu thì không phải đàn ông”.
Thế nhưng, nếu nâng rượu lên thành “quốc tửu” như ý tưởng gần đây được báo chí thông tin thì lại là chuyện cần bàn cho kỹ lưỡng.
Một đất nước, một quốc gia có những thứ bắt buộc phải có như quốc kỳ, quốc huy, quốc ca… Cũng có những thứ, không có cũng chẳng sao, như “quốc hoa”, “quốc tửu”… Phần lớn các nước trên thế giới, trong đó có các siêu cường như Mỹ, Nga không có “quốc hoa”, “quốc tửu”.
Riêng khái niệm như “quốc tửu” chẳng hạn, cũng được hình thành một cách tự nhiên chứ không phải do bầu bán mà có. Nếu loại rượu nào phổ biến rộng rãi tới mức có thể đại diện cho quốc gia đó thì đấy là quốc tửu. Còn nếu chưa có thì cũng không nhất thiết phải bình bầu, lựa chọn cho có. Chúng ta đang có ý tưởng chọn “quốc tửu” của Việt Nam. Điều này cũng gần như một biểu hiện của sự thái quá.
Người Nhật, bất kể chức vị, tuổi tác khi uống rượu thì người ta sẽ rót rượu mời mình và ngược lại mình cũng phải ý thức rót rượu mời người ta. Họ uống tùy tâm, tùy khả năng của mỗi người, không lạm dụng hay ép uống. Đặc biệt là lái xe thì tuyệt đối không được uống rượu, bia.
Nếu uống rượu, bia khi lái xe thì bị thu bằng lái ít nhất 5 năm, đồng thời phạt với số tiền rất lớn khoảng 100.000 yên. Đặc biệt, khi người uống rượu lái xe bị phạt thì người mời rượu phải chịu 50% số tiền phạt (đó là theo lý thuyết). Khi nào em đi uống bia, rượu đều bảo vợ đi cùng để lái xe. Ở Nhật, để có bằng lái xe ô tô học và thi rất khó khăn, tốn kém nên ai cũng phải giữ bằng cẩn thận.
Để có được văn hóa uống tốt như vậy là nhờ ý thức tốt và luật nghiêm. Họ dạy học sinh ở trong nhà trường và tuyên truyền trên thông tin đại chúng về ý thức chấp hành luật. Nhất là không ai uống rượu, bia vào buổi trưa.